Thông báo mới! TOP SHARE

Bài văn phân tích ý nghĩa kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương - Mẫu số 1

Top 2 trong Top 10 bài văn hay nhất phân tích ý nghĩa kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương.

1

by Chanh 09-12-2023

“Người con gái Nam Xương” thuộc “Truyền kì mạn lục” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ. Viết về số phận người phụ nữ không phải là đề tài hiếm có đối với các tác giả văn học trung đại. Thế nhưng, Nguyễn Dữ đã truyền tải tình thương dành cho thân phận người phụ nữ một cách độc đáo, khiến người đọc nhiều thế hệ ấn tượng qua cách kết thúc truyện giàu ý nghĩa.

Vũ Nương vốn là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đoan trang nhân hậu. Nàng làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ và người con dâu. Chỉ vì thói gia trưởng, độc đoán của Trương Sinh mà nàng phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Được thần tiên cứu giúp, Vũ Nương được sống yên bình dưới thủy cung. Gặp được chàng Phan Lang cùng làng, Vũ Nương bèn gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn cho Trương Sinh. Khi ấy, Trương Sinh mới biết vợ bị oan và lập đàn giải oan cho Vũ Nương. Nàng trở về nói lời đa tạ và biến mất. Câu chuyện truyền kỳ kết thúc ở đây và tạo nên những khắc khoải trong lòng người đọc.

Thoạt tiên, ta có thể thấy kết truyện có phần nhẹ nhõm. Vũ Nương vẫn được giải oan, tấm lòng trinh bạch của nàng được cả thần và người chứng giám. Đối với con người, không gì quý giá hơn lòng tự trọng. Tác giả dân gian đêm đến cái kết có hậu theo đúng motip “Ở hiền thì lại gặp hiền/Người ngay sẽ được thần tiên độ trì”. Trần gian với chiến tranh, hủ tục đã đày đọa Vũ Nương nên chết đi và sống dưới thủy cung coi như một sự giải thoát. Công bằng đã được đòi lại để thỏa mãn mong ước của nhân dân.

Nỗi oan đã được thấu tỏ nhưng nỗi đau của con người vẫn kéo dài dai dẳng. Đây thực chất là cái kết cay đắng và chứa đầy bi kịch. Trước hết, ta thấy rằng khi còn sống Vũ Nương luôn khao khát hạnh phúc gia đình. Chồng đi lính, nàng không mong vinh hiển mà chỉ hy vọng chồng bình an để gia đình đoàn tụ. Trải qua biết bao vất vả, với nàng cũng chẳng hề chi. Nàng giữ cho mình tình yêu gia đình, lấy đó làm chỗ dựa tinh thần. Việc phải chết đi, lìa bỏ quê hương và gia đình đã đi ngược với mong muốn của nàng. Chết là đường cùng, là bất lực, tuyệt vọng. Gương vỡ chẳng thể lành. Thần tiên cũng không có phép nhiệm màu biến mơ ước giản đơn của Vũ Nương thành hiện thực. Câu nói: "Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa" chứa đầy sự xót xa. Hiện thực quá khắc nghiệt và đau đớn. Cuộc sống ở thủy cung chỉ mang tính chất an ủi phần nào nhưng không thể xóa bỏ nỗi thống khổ của con người. Và chắc chắn, phải bất lực đến cùng cực thì người ta mới tìm đến những thế lực kì ảo mong giải thoát về mặt tinh thần. Trong xã hội vẫn còn vô số phụ nữ chịu chung nỗi đau với Vũ Nương.

Không chỉ Vũ Nương, Trương Sinh cũng sống trong nỗi hối hận, dằn vặt suốt quãng đời còn lại. Bé Đản tuổi còn nhỏ mà mồ côi mẹ. Truyện kết thúc nhưng ta không thể ngừng trăn trở về tương lai trẻ thơ. Lớn lên, Đản biết rằng lời nói ngây thơ của mình vô tình hại chết mẹ thì sẽ ra sao? Đây là bi kịch của cả một xã hội chứ không riêng con người nào.

Thông qua cách kết truyện, Nguyễn Dữ đã lên án, tố cáo xã hội phong kiến với chế độ nam quyền hà khắc và chiến tranh phi nghĩa. Cái kết có yếu tố kì ảo một phần tiếp thêm niềm tin vào nhân quả, công bằng cho con người nhưng hơn hết, đó là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Chừng nào chiến tranh còn tồn tại, con người còn đa nghi, độc đoán, vô tâm thì khi đó, những người bất hạnh như Vũ Nương vẫn còn tồn tại.

Tears in Heaven