Thông báo mới! TOP SHARE

Bài văn chi tiết phân tích nhân vật Lục Vân Tiên - Mẫu số 8

Top 8 trong Top 10 bài văn chi tiết nhất phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

2

by Chanh 30-10-2023

Lục Vân Tiên - nhân vật hội tụ được những phẩm chất tốt đẹp của một người anh hùng. Những nét đẹp đó được thể hiện cụ thể qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

“Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” thuộc phần mở đầu của “Truyện Lục Vân Tiên”. Lục Vân Tiên quê ở quận Đông Thành, bề ngoài khôi ngô tuấn tú lại có tài văn võ. Khi nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên liền từ giã thầy xuống núi để tranh tài. Trên đường trở về nhà thăm mẹ, chàng một mình đánh tan bọn cướp do Phong Lai cầm đầu, cứu được Kiều Nguyệt Nga:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Một loạt hành động của Vân Tiên “bẻ cây làm gậy”, “nhằm làng xông vô”, “kêu rằng bớ đảng hung đồ…” cho thấy sự nhanh trí, dũng cảm của chàng. Vân Tiên đã được tác giả so sánh chẳng khác nào Triệu Tử khi xưa. Triệu Tử (Triệu Vân) là một tướng trẻ có tài của Lưu Bị thời Tam quốc. Khi Lưu Bị bị quân Tào đánh đuổi, chạy đến Đương Dương (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) phải bỏ cả vợ con chạy về phía nam. Triệu Tử đã một mình phá vòng vây của Tào Tháo để bảo vệ A Đẩu - con nhỏ của Lưu Bị. Khí phách của một đấng nam nhi thấy bọn cướp hoành hành thì chẳng thể nào giấu nổi sự tức giận mà phải ra tay dẹp yên.

Sau khi “dẹp xong lũ kiến chòm om”, Vân Tiên ân cần đến hỏi han người gặp nạn ở trong xe: “Ai than khóc ở trong xe này?”. Nghe được lời cảm tạ của người ngồi trong xe, chàng đã có một hành động thật chuẩn mực:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Chỉ với một câu nói, nhưng thể hiện được hình ảnh một chàng trai có học thức, hiểu biết lễ nghĩa phong kiến “nam nữ thụ thụ bất tương thân”. Sau đó, chàng lại tiếp tục hỏi han sự tình của Kiều Nguyệt Nga. Sau khi nghe lời lẽ của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga biết người cứu mình là một nam tử hán, liền kể rõ sự tình: Nàng cùng với tì tất tên là Kim Liên, quê ở quận Tây Xuyên, cha là tri phủ miền Hà Khê nhận được bức thư của cha đến đó để định việc hôn nhân. Trên đường đi thì gặp phải bọn cướp đang hoành hành, may nhờ có Vân Tiên cứu giúp.
Lục Vân Tiên biết rõ sự tình, nghe thấy Nguyệt Nga bày tỏ mong muốn Tiên đi cùng mình đến gặp cha để đền tạ công ơn thì cười và bảo rằng:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì?
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Đối với Vân Tiên, việc hành hiệp cứu người không phải vì muốn được đền đáp. Chàng coi việc đó như trách nhiệm của bậc anh hùng. Cái cười của chàng là của bậc nam tử hán - đầy chí khí.

Bằng việc sử dụng ngôn ngữ hết sức giản dị và đời thường, người anh hùng Lục Vân Tiên hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu vô cùng chân thực. Chàng chính là đại diện cho chính nghĩa, khát vọng hành hiệp cứu đời của tác giả.

Tears in Heaven